Nên chọn hệ thống tưới phun mưa hay tưới nhỏ giọt:
Đây là câu hỏi chúng tôi nhận được khá nhiều từ bà con nông dân. Chúng tôi xin trả lời như sau:
Để chọn được phương pháp tưới tự động, trước hết phải căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu tưới của từng loại cây trồng; căn cứ vào tình hình thực tế về nguồn nước; Yếu tố chi phí đầu tư; Yếu tố kỹ thuật & quản lý hệ thống tưới; Các đặc thù khác…
A). Đối với đặc điểm từng loại cây trồng
Trên thực tế, bà con đều biết, tất cả các loại cây trồng đều cần tưới nước, và hãy tưởng tượng đang nắng hạn mà gặp cơn mưa thì coi như đó là có lộc trời cho. Khi cây cối đang khát nước, độ ẩm giảm xuống 50-60% vào mùa khô, khi chúng đang phải co mình đề chống chọi với nhiệt độ lên tới 35-400C… đêm hôm đó ông trời cho chúng ta một cơn mưa, sáng hôm sau chúng ta sẽ thấy mùa màng như đã lột xác, xanh tươi, hoa chồi đua nhau phát triển….
Về cơ bản cây trồng ngoài cần lượng nước đầy đủ cấp cho hệ thống rễ để nuôi cây, thì yếu tố quan trọng nữa là một lượng nước cấp lên trên bề mặt lá, hoa, trái giúp cây quang hợp tốt hơn, và hơn nữa, cây trồng phát triển rất tốt nếu có một vùng khí hậu lý tưởng về nhiệt độ, độ ẩm….
Lấy ví dụ với tưới cho cây tiêu: Cây tiêu ngoài hệ thống rễ dưới lòng đất, còn có hệ thống rễ chằng chịt bám trên trụ tiêu, và hệ thống lá to bản… đơn giản chúng ta đều biết cây hồ tiêu nên áp dụng tưới nhỏ giọt hay phun mưa…
Tuy nhiên, cũng có những loại cây trồng thích hợp với phương pháp tưới nhỏ giọt như hoa trồng trong chậu, một số loại cây dây leo trồng trong nhà lưới nhà kính như dưa, bí, hoặc một số loại cây trồng có thân cao mà hệ thống tưới phun mưa khó áp dụng như tưới cây cao su trưởng thành…
B). Căn cứ vào nguồn nước
Về cơ bản, cả hai phương pháp tưới phun mưa và nhỏ giọt đều giúp nhà đầu tư tiết kiệm đáng kể nguồn nước bởi cả hai phương pháp này đều xác định được lưu lượng tưới, thời gian tưới vừa đủ cho cây trồng.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nguồn nước rất khan hiếm, người sử dụng sẽ phải tính toán để cắt giảm một phần nhu cầu của cây trồng. Cụ thể cây trồng cần có nước tiếp cho bộ rễ; tưới lên lá, trái; và tưới làm mát môi trường xung quanh. Vậy trong trường hợp nguồn nước rất khan hiếm thì ưu tiên số một là cấp nước cho bộ rễ, khi đó hệ thống tưới nhỏ giọt cần được ưu tiên.
Để tiết kiệm nước, điện, trước khi đầu tư dự án, chúng ta cần xác định chính xác nhu cầu lưu lượng 1 lần tưới là bao nhiêu (tính theo mm/giờ, hoặc m3/giờ/ha), chu kỳ tưới là bao nhiêu ngày 1 lần, từ đó yêu cầu đơn vị tư vấn, cung cấp thiết bị đưa ra các chỉ số đầu ra của hệ thống tưới và xác định thời gian, lưu lượng tưới tối ưu.
C). Căn cứ vào khả năng đầu tư
Hệ thống tưới phun mưa thường gồm bộ cấp nước (máy bơm), hệ thống ống dẫn, và đầu béc tưới. Nước được phân phối đồng đều – thường là trên 85% đến ~100% trên mọi vị trí của diện tích tưới. Chi phí không phụ thuộc vào khoảng cách giữa các cây, số gốc cây trên 1 đơn vị diện tích và thường ổn định cho mọi loại cây trồng (thường dao động khoảng 30-40tri/ha đối với cây công nghiệp, và 50-70tri/ha đối với rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính – số tham khảo, tổng hợp)
Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống thường gồm bộ cấp nước, hệ thống lọc, đường dây mềm dẫn nước, và các đầu tưới nhỏ giọt. Chi phí của hệ thống tưới nhỏ giọt phụ thuộc rất nhiều vào số lượng cây trồng trên 1 đơn vị diện tích. Khi cây trồng càng dày, chi phí càng lớn. Một số dự án trồng mía trước đây sử dụng biện pháp tưới nhỏ giọt và chi phí đầu tư lên tới 100tri/ha; ngược lại nếu tưới cao su với khoảng cách khoảng 7m x 7m (hàng cách hàng 7m, cây cách cây 7m) thì chi phí chỉ khoảng 20tri/ha.
Một yếu tố nữa cần xem xét trong vấn đề đầu tư, tưới phun mưa thường hệ thống bền lên tới 10 năm – 20 năm, trong khi đó tuổi thọ của hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ khoảng 2-5 năm. Do đó, chu kỳ đầu tư của hệ thống tưới nhỏ giọt cao gấp 4-5 lần so với tưới phun mưa. Chúng ta nên tính toán tổng đầu tư cho 1 đơn vị diện tích, trong 1 thời gian 10-20 năm.